“Thổi bay” sự trống trải của nhà trần cao nhờ những mẹo hữu ích này!

0
359

Với những căn phòng có trần cao, bạn nên lựa chọn nội thất có chiều cao nhỉnh hơn một chút so với chiều cao thông thường. Không nên chọn vật trang trí cũng như nội thất kích thước nhỏ, thấp khiến chúng dễ bị “chìm” trong không gian rộng lớn.

Trần nhà cao hơn so với mặt bằng chung, là ưu điểm hay nhược điểm? Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào cách suy nghĩ cũng như việc bố trí đồ đạc của bạn.

Một điều dễ nhận thấy, đó là cảm giác không hài lòng của gia chủ cũng như những người sống trong nhà, khi trần quá cao hoặc quá thấp. Với trần cao, dễ khiến không gian có cảm giác bị thu hẹp về mặt ngang, và dễ bị “trống” khi nhìn lên khoảng không gian sát trần. Nếu không biết cách bố trí và sắp xếp nội thất, đồ trang trí một cách khéo léo, ngôi nhà có thế mạnh trần cao này sẽ trở thành nhược điểm, khiến không gian mất đi sự hài hòa, cân đối đáng có.
Khi bạn nhận thấy, trần nhà quá cao so với tổng diện tích của ngôi nhà, đừng lo lắng, hãy để chúng tôi chia sẻ với bạn những lời khuyên, tư vấn giúp bạn để tạo nên không gian đẹp tinh tế, đặc biệt là tránh được những sai lầm phổ biến khi trang trí ngôi nhà.
1. Quy tắc cân bằng
Hãy áp dụng quy tắc của sự cân bằng, thường được sử dụng trong nghệ thuật và nhiếp ảnh, chia bức tường thành ba phần bằng nhau khi trang trí để đảm bảo được sự hài hòa trong kết nối không gian giữa tường và trần. Tính từ chân tường đến trần có 3 khoảng cách bằng nhau, khoảng cách sát sàn nhà có thể tô điểm bằng cách ốp gỗ hoặc lắp đặt vách ngăn, bố trí nội thất, khoảng cách giữa là nơi để bạn tạo vẻ đẹp cuốn hút cho không gian nhờ gương, đồng hồ hoặc tranh có kích cỡ lớn. Khoảng cách trên cùng thường được decor ánh sáng, cửa kính, gác xép…
Vẫn áp dụng quy tắc cân bằng, với một bức tường, bạn có thể chia thành 3 phần bằng nhau theo chiều đứng, và trang trí tập trung ở khoảng giữa của 3 phần. Thật đơn giản để tạo được vẻ đẹp hài hòa, ấn tượng cho những căn phòng có trần cao.
Cách làm đơn giản này chỉ nên áp dụng cho 1 đến 2 bức tường trong phòng, tạo điểm nhấn nổi bật cho không gian. Nội thất được sắp đặt phía dưới cũng nên phân chia theo quy tắc cân bằng này. Đó là cách mang lại sức hút đặc biệt cũng như vẻ đẹp lôi cuốn, rộng thoáng cho những căn phòng có trần cao.
2. Yếu tố ánh sáng
Ánh sáng là yếu tố không thể thiếu trong những ngôi nhà, dù rộng hay hẹp. Thêm đèn chiếu sáng đúng cách, là giải pháp hoàn thiện không gian. Không chỉ tạo cho căn phòng đủ đầy ánh sáng, mà còn giúp không gian đẹp sang trọng, bắt mắt.
Những căn phòng có trần cao, là ưu thế không thể tuyệt vời hơn, là cơ hội để bạn “khéo khoe” gu thẩm mỹ của mình với mọi người đến thăm nhà. Hãy lắp đặt ngay đèn chùm cỡ lớn, để trần nhà như bị thấp hơn một chút, gọn gàng hơn một chút.
Thêm sự giúp đỡ đắc lựa của đèn bàn, đèn sàn và đèn trần, chắc chắn khoảng không gian trần cao sẽ vì thế, trở nên lung linh và ấn tượng hơn. Bạn cũng lưu ý một chút, nếu nhà bạn có không gian hẹp, hãy lắp đèn chùm có kiểu dáng nhỏ gọn, để không gian tránh bị vướng mắt hay chật chội. Nếu nhà có ưu thế về diện tích, hay lắp đặt loại đèn chùm có kiểu dáng cầu kỳ với số lượng nhiều, để căn phòng thêm điểm nhấn hút mắt.
3. Làm đẹp bằng khung tranh
Những ngôi nhà có trần cao, luôn cần có sự sắp đặt nội thất một cách tỉ mỉ, khéo léo. Đặc biệt đối với những căn phòng có trần cao, việc treo tranh không còn là ngẫu hứng, mà cần được áp dụng những quy tắc nhất định, để không gian thêm phần sang trọng hơn.
Có hai cách đơn giản để bạn áp dụng nhanh chóng khi treo tranh. Đó là chia tường thành 3 phần bằng nhau, và treo tranh và khu vực giữa của ba phần vừa chia. Cách này khá phù hợp khi nhà bạn có ý định treo những bức tranh khổ lớn. Tuy nhiên, với nhiều khung tranh cùng treo trên tường, bạn có thể treo theo cách mà bạn muốn. Chỉ lưu ý một chút về chiều cao của tranh so với trần, nên treo ngang tầm nhìn, vừa dễ nhìn, vừa tạo sự cân bằng hợp lý cho không gian.
Treo tranh, cũng là cách khéo léo để có thể kéo mọi người đến gần nhau hơn, giúp căn phòng thêm cảm giác thân mật, cũng như sinh động hơn. Vì vậy, nếu là người yêu thích tranh, và muốn vô số những bức tranh hiện diện trong phòng, bạn có thể chọn 1 bức tường, áp dụng quy tắc đối xứng. Để cân bằng “lượng” tranh cần treo một cách khéo léo.
4. Tạo điểm nhấn trên tường
Trần cao, đi đôi với việc không gian rộng hơn so với chuẩn. Vì vậy, ngoài việc treo tranh, bạn cần tạo điểm nhấn trên tường, tránh để các bức tường trong tình trạng trống rỗng, khiến không gian bớt đi sự gần gũi, hấp dẫn.
Tạo điểm nhấn cho một bức tường có cửa sổ bằng cách thêm rèm phủ kín diện tích của bức tường.
Hoặc có thể tạo điểm nhấn cho bức tường bằng cách lắp đặt hệ thống tủ kệ gắn tường rộng rãi…
Muốn thêm sức hút, cùng cái nhìn tươi mới cho không gian rộng rãi, hãy tạo điểm dừng cho mọi ánh nhìn bằng cách sơn hoặc dán giấy dán tường cho một bức tường nhất định. Thêm đèn hắt sáng để bức tường trở nên hoàn hảo hơn.
Chọn một bức tường nhất định, để bức tường với gạch trần đơn giản, cũng là cách vừa làm giảm chiều cao cho trần, vừa mang lại cảm giác thân thiện, ấm cúng cho không gian.
 5. Trang trí trần nhà
Hãy áp dụng nghệ thuật vẽ tranh, hot trend trên khắp thế giới để làm đẹp cho khoảng trần cao của gia đình bạn. Vẽ những nét vẽ tinh tế lên trần thạch cao phẳng, mịn, để tạo nên bức tranh độc đáo, đầy lôi cuốn, đồng thời làm giảm bớt cảm giác cao và rộng của trần. Hơn nữa, những họa tiết, hoa văn trong nét vẽ sẽ trở thành điểm nhấn lạ mắt, đáng nhìn cho bất kỳ căn phòng nào.
Một phương án dễ áp dụng nữa, dành cho những gia chủ yêu vẻ đẹp đơn giản, thoáng mát, hiện đại, đó là ốp trần bằng gỗ. Sắc màu ấm áp của gỗ sẽ là lựa chọn tuyệt vời, “níu” trần gần hơn với sàn nhà, và mang lại cảm giác gần gũi, ấm áp cho không gian.
6. Thiết kế cửa sổ
Những ô cửa sổ, giúp căn phòng thêm nhiều ánh sáng tự nhiên hơn. Cửa sổ của những căn phòng có trần cao, sẽ được thiết kế như thế nào, để tạo sự hài hòa tương đối cho tổng thể không gian?
Dù trần cao, bạn cũng không nên bó hẹp không gian bằng những khung cửa sổ nhỏ. Hãy tạo sự thoáng đãng, rộng rãi tối đa cho không gian nhờ việc thiết kế khung cửa sổ. Có thể chọn phương án thiết kế khung cửa có chiều cao từ sàn đến trần, hoặc có thể lựa chọn kiểu dáng khung cửa có chiều cao bằng 2/3 căn phòng và chiều dài choán hết cả một bức tường.
7. Lựa chọn nội thất
Với những ngôi nhà có trần cao, khi trò chuyện sẽ tạo tiếng vang mạnh hơn, rộng và dài hơn so với những ngôi nhà có trần thấp. Bên cạnh việc lựa chọn vật liệu cách âm tốt, để giảm thiểu tiếng vang, bạn có thể lựa chọn thảm trải sàn với chất liệu lông, len, dạ và nội thất như sofa, giường… với chất liệu mềm mại như bông ép, cao su, da, vải…
8. Tạo thêm gác xép
Căn hộ nhỏ với trần cao, bạn nên tận dụng khoảng trống gần trần để tạo thêm gác xép làm nơi ngủ nghỉ hay tạo góc làm việc. Gác xép mang lại cho bạn khoảng không gian riêng tư, yên tĩnh nhất định, giúp tâm trạng của mọi người luôn thoải mái khi sử dụng chung khoảng diện tích nhỏ hẹp.
Với những nhà phố hay căn hộ có trần cao, việc tạo gác xép cũng khá hợp lý, không chỉ tạo thêm khoảng không gian cho chức năng mới, mà còn giúp gia đình khéo léo phân chia không gian hợp lý. Phần gác xép của nhà rộng thường được gọi là tầng lửng, thường là nơi dành cho không gian ăn uống, tiếp khách của gia đình, tiện lợi và sang trọng.
9. Tránh những quyết định sai lầm
Với những căn phòng có trần cao, bạn nên lựa chọn nội thất có chiều cao nhỉnh hơn một chút so với chiều cao thông thường. Không nên chọn vật trang trí cũng như nội thất kích thước nhỏ, thấp khiến chúng dễ bị “chìm” trong không gian rộng lớn.
Tránh việc tạo nên những khoảng trống không đáng có trên khoảng tường rộng, hãy nhờ sự hỗ trợ của tranh ảnh, vật liệu trang trí như gỗ, gạch, đá, hay đồng hồ… để cải thiện cảm giác cao rộng của những khoảng trống mang lại.

Để Lại Lời Nhắn