Đừng quên chọn loại bàn làm việc có ngăn kéo, để bạn có thể thoải mái sắp xếp tài liệu làm việc phía dưới, tránh để chồng chất tài liệu trên bàn khiến bạn chán ngán, mất hứng khi bắt đầu làm việc.
Tạo một góc dành cho công việc cũng cần lắm công phu, để có được không gian làm việc tập trung và hiệu quả.
Có một góc làm việc riêng tư tại nhà để giải quyết công việc còn tồn đọng hàng ngày là điều mong muốn của rất nhiều nhân viên văn phòng. Một không gian không cần rộng rãi lắm, nhưng đảm bảo sự riêng tư cần thiết, không ảnh hưởng đến việc sinh hoạt chung, tiết kiệm diện tích và tiền bạc trong việc phân bổ không gian trong nhà là những yêu cầu cơ bản mà ai cũng cần khi tạo góc riêng để làm việc.
Chúng ta không bàn đến việc tạo một căn phòng dành riêng cho những công việc tồn đọng hàng ngày, bởi một phòng làm việc chỉ là phương án phù hợp cho những ngôi nhà có diện tích rộng rãi. Trong phạm vi bài này, chúng ta chỉ bàn đến cách tạo những góc làm việc nhỏ xinh, trong những căn hộ nhỏ.
Để có một nơi làm việc mang lại hiệu quả tối đa, trước tiên bạn cần xem xét những lưu ý dưới đây:
– Nơi làm việc không cần chiếm quá nhiều không gian. Về cơ bản, góc nhỏ này không thể thiếu bàn, ghế, kệ, ngăn kéo, tủ lưu trữ giấy tờ và một vài vật dụng cần thiết theo từng chuyên môn nhất định.
– Nơi làm việc nên đặt ở bất cứ không gian nào, miễn là bạn cảm thấy thoải mái, và nên lưu ý thêm rằng, dù ở góc nhỏ nào, bạn cũng nên đảm bảo rằng sẽ không ảnh hưởng, không cản trở đến việc sinh hoạt chung của gia đình.
– Khu vực làm việc nên sắp xếp khoa học và chỉ sử dụng những trang thiết bị cần thiết, tránh làm cho ngôi nhà trở nên bừa bộn, vướng víu và bành trướng.
– Lựa chọn ánh sáng đúng, lựa chọn chiều cao của bàn ghế phù hợp với người sử dụng.
– Lựa chọn màu sắc phù hợp, tránh bị lệch tông và trái ngược hoàn toàn với phong cách trang trí sẵn có.
Thiết lập vị trí nơi làm việc
Văn phòng ẩn
Văn phòng ẩn là góc làm việc đầy ấn tượng cho những căn nhà nhỏ, chỉ sử dụng với diện tích vô cùng khiêm tốn. Tận dụng một khoảng trống ở bất kỳ không gian nào, có thể là phòng khách, phòng ngủ, phòng bếp hay gầm cầu thang… để tạo nơi làm việc, dù nhỏ nhưng luôn tạo sự thoải mái và dễ chịu khi bắt đầu ngồi vào bàn. Sự gọn nhẹ, ngăn nắp và chọn ghế ngồi yêu thích, thêm chiếc laptop đáng yêu nữa là đủ bộ cho những ý tưởng thăng hoa, giải quyết công việc một cách nhanh chóng và trôi chảy.
Nếu có nhiều hơn một người cần làm việc, bạn có thể tìm kiếm một góc có diện tích lớn hơn, nên ngăn chia nơi làm việc và không gian chung của gia đình bằng cánh cửa hoặc tấm rèm kín đáo, để mọi người được tập trung hơn cho công việc.
Tận dụng một hốc tường, bài trí, thiết kế góc làm việc trong đó và ngăn cách bởi cửa gỗ hoặc cửa trượt. Cánh cửa sẽ đóng lại, mọi ồn ào xung quanh sẽ lùi xa, giúp bạn có khoảng riêng tư tuyệt đối.
Góc làm việc bên trong cánh cửa tủ đựng quần áo trong phòng ngủ cũng là phương án hợp lý. Bởi trong phòng ngủ, sự yên tĩnh và riêng tư là yếu tố đáp ứng được cho bạn tạo góc làm việc. Sau những giờ say sưa với công việc, bạn có thể đóng cửa tủ, để hoàn toàn nhường chỗ cho những giấc ngủ ngon.
Góc nhỏ bên cửa sổ
Góc nhỏ bên cửa sổ là lựa chọn khá hoàn hảo cho chức năng làm việc. Dù ban ngày hay ban đêm, thì góc làm việc bên cạnh khung cửa vẫn là điều mà nhiều người mong muốn có được. Hãy chọn khung cửa sổ rộng rãi, nơi có nhiều ánh sáng tự nhiên, có khoảng view rộng thoáng bên ngoài càng tốt, để làm nơi đặt bàn, ghế và kệ để đồ phục vụ cho công việc hàng ngày.
Với những góc làm việc ở vị trí này, bạn đừng quên chọn mành che, để khi trời quá sáng hoặc bên ngoài quá nhiều hoạt động khiến bạn phân tâm khi làm việc. Chỉ cần kéo rèm xuống, đeo tai nghe lên là bạn đã có thể tập trung tuyệt đối cho công việc.
Trong phòng bếp
Nếu kích thước nhà bếp cho phép bạn đặt góc làm việc, thì đây cũng là một vị trí khá lý tưởng. Khi mọi người trong nhà đã nấu nướng và ăn uống xong, làm việc ở đây sẽ vô cùng yên tĩnh. Chỉ cần chọn bàn có chiều dài tầm 60cm, chọn ghế xinh xắn, đặt máy tính cố định để bạn có thể yên tâm giải quyết công việc.
Đặt góc làm việc ở phòng bếp còn tiện lợi khi bạn muốn vừa nấu nướng vừa xem clip ca nhạc, phim ảnh, hoặc tra công thức nấu ăn…
Dưới gầm cầu thang
Góc làm việc dưới gầm cầu thang là ý tưởng không còn xa lạ với mọi người. Thay vì chứa đồ đạc linh tinh trong gầm cầu thang, vừa khiến ngôi nhà bừa bộn vừa tạo cơ hội cho côn trùng xuất hiện. Bạn nên dọn dẹp sạch sẽ vị trí này để tạo nên góc làm việc nhỏ xinh. Khoảng nhỏ dưới gầm cầu thang đảm bảo đủ “tĩnh” để bạn yên tâm giải quyết núi việc của mình.
Ngoài ban công
Ban công với lợi thế rất lớn, đó là chiếm lĩnh hoàn toàn ánh sáng tự nhiên trước khi đi vào căn nhà. Nếu lắp đặt bàn ghế làm việc ngoài ban công, bạn nên gắn cửa kính để đảm bảo có được góc làm việc cố định ở vị trí này.
Tổ chức không gian làm việc
Với góc làm việc có diện tích khiêm tốn, chắc chắn bạn không thể bỏ qua bức tường, cần phải tận dụng triệt để bề mặt tường vào việc lưu trữ đồ đạc, giải phóng giấy tờ, sách vở và các công cụ khác khỏi mặt bàn.
Treo bảng ghi chú và nhắc nhở
Nên treo một bảng ghi chú nho nhỏ để note lại công việc, viết ý tưởng hay dán lịch làm việc hàng ngày, các cuộc điện thoại gọi đến, ghi chú địa chỉ khi đang thực hiện cuộc gọi… Nếu không thích treo bảng, bạn có thể sơn màu đen cho bức tường tạo nên chiếc bảng khổng lồ, chắc chắn ý tưởng không tồi này sẽ giúp ích nhiều cho công việc hàng ngày của bạn.
Kệ treo
Nếu góc làm việc có nhiều vật dụng, bạn nên tính đến phương án tạo kệ treo tường để tiện lợi cho việc sắp xếp tài liệu, giấy tờ…
Loại bàn tích hợp kệ vào các ngăn tủ, giúp bạn dễ dàng hơn trong việc sắp xếp tài liệu, cất trữ những vật dụng hay giấy tờ quan trọng.
Ghế ngồi
Càng sống trong những ngôi nhà có diện tích khiêm tốn, người ta càng phải nghĩ đến muôn vàn cách để làm sao có được nhiều tiện nghi nhất trong những không gian hẹp. Không được ưu ái dành khoảng diện tích lớn cho góc làm việc, vì vậy bạn nên lựa chọn nội thất thông minh, vừa nhỏ gọn vừa thoải mái khi làm việc. Bạn cần đánh giá được đúng ý nghĩa và vai trò to lớn của đồ nội thất, tầm ảnh hưởng của chúng như thế nào đối với công việc hiện tại. Nếu chọn ghế quá cao hoặc quá thấp, kiểu dáng không tạo được sự thoải mái khi ngồi, bạn sẽ phải loay hoay khi sử dụng, khiến thời gian làm việc bị rút ngắn dẫn đến chất lượng công việc cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Vì vậy, đừng nên tiết kiệm khi mua ghế, hãy mua loại ghế đảm bảo chất lượng, có nệm tựa lưng và có nút điều chỉnh chiều cao.
Bàn làm việc
Bên cạnh ghế, tủ, kệ, bạn lựa chọn bàn làm việc nhỏ gọn, vừa đủ, không nên rộng quá, choán quá nhiều diện tích của căn phòng. Hơn nữa, nên lưu ý nhiều đến màu sắc, nên chọn màu cùng tông với nội thất chung của không gian, và chọn những màu giản dị như trắng, be, xám, vàng nhạt… để đảm bảo không gian làm việc được yên tĩnh và bình lặng.
Đừng quên chọn loại bàn làm việc có ngăn kéo, để bạn có thể thoải mái sắp xếp tài liệu làm việc phía dưới, tránh để chồng chất tài liệu trên bàn khiến bạn chán ngán, mất hứng khi bắt đầu làm việc.