Bạn thân mến, với kiến trúc sư, hay chủ nhà cũng vậy, khi chọn lựa vật liệu ốp lát cho công trình, phải căn cứ vào một số nguyên tắc nhất định để đảm bảo tính hợp lý và không bị “hoa mắt” giữa các chủng loại vật liệu trên thị trường. Tuy nhiên, các nguyên tắc này khi vận dụng cũng hết sức linh hoạt. Tạm tổng kết các nguyên tắc như sau:
1. Đúng tính năng sử dụng:
Đây là yếu tố quan trọng đầu tiên. Dù là vật liệu có hình thức, màu sắc như thế nào thì phải đúng tính năng sử dụng của không gian đó. Tuỳ theo yêu cầu công năng đặc thù của không gian, khu vực đó mà chọn vật liệu phù hợp. Ví dụ: ốp tường vệ sinh phải đảm bảo yêu cầu chống thấm, dễ cọ rửa; sàn vệ sinh phải chống thấm, chống trơn – trượt, sân phải có khả năng chịu lực tốt, chống trơn…
2. Tương đồng với không gian kiến trúc:
Kiến trúc sư là người nắm rõ nhất điều này để đề xuất những loại vật liệu phù hợp, đưa ra giải pháp ốp lát tốt về hướng nhìn; nội dung, ý tưởng thể hiện trên bề mặt (nếu có). Cái đẹp phải là hài hoà. Một loại gạch đẹp nhưng đưa vào bề mặt, vào không gian cụ thể chưa chắc đã đẹp. Gạch đắt tiền cũng không làm nên cái đẹp. Ví dụ: các không gian, các khu vực cần sáng sủa, hoặc thiếu sáng không nên dùng gạch tối màu, không gian trang nghiêm như phòng thờ có thể lát đăng đối với màu trầm, không gian phòng trẻ em có thể lát tự do, màu sắc trẻ trung… Các không gian ngoại thất như sân vườn nên sử dụng các loại vật liệu có nguồn gốc tự nhiên, màu trung tính như đá, gạch gốm…
3. Tỷ lệ hài hoà:
Vật liệu ốp lát phải có tỷ lệ hài hoà với không gian và diện tích ốp lát. Với những không gian nhỏ như phòng vệ sinh, không nên chọn những vật liệu có kích thước quá lớn. Vật liệu có kích thước lớn gây cảm giác không thuận về thị giác mà còn làm cho việc phải cắt viên do không chẵn gây mất thẩm mỹ. Với những diện lớn thì không nên dùng gạch – đá có kích thước nhỏ, gây “nát” bề mặt và khó làm phẳng mặt do có quá nhiều mạch.
4. Khai thác đúng đặc tính cơ lý vật liệu:
Mỗi loại vật liệu có những đặc tính cơ lý, cấu trúc khác nhau. Hiểu và khai thác đúng những đặc tính đó sẽ làm những khu vực ốp lát có chất lượng và thẩm mỹ; khai thác được những ưu điểm, tránh được nhược điểm của mỗi loại vật liệu. Ví dụ: đá granite có tính đồng chất cao, kết cấu chắc, không có thớ… nên ưu tiên sử dụng cho những chỗ nền, sàn, mặt thao tác dễ va đập, chịu lực… như mặt bậc, bậu cửa, mặt bếp…; các loại đá có vân thớ, dễ nứt vỡ chỉ nên ốp tường, không nên lát sàn; gỗ không nên lát ở sàn tầng trệt và các khu vực có nguy cơ ngấm nước… Các khu vực ngoài trời phải sử dụng những loại vật liệu bền trước tác động môi trường hơn là ở trong nhà…
4. Phù hợp phong thuỷ và tâm lý của chủ nhà:
Đây là nguyên tắc khá… linh hoạt và đòi hỏi KTS phải có kiến thức tổng hợp nhất định ngoài các kiến thức mang tính kỹ thuật như trên đề cập. Mỗi loại vật liệu có một ảnh hưởng nhất định tới không gian và tâm lý con người. Chọn vật liệu phù hợp dẫu theo nguyên tắc nào cũng vẫn phải hướng tới sự thoải mái cho người sử dụng. Nắm bắt được điều đó, ngoài sự hiểu biết còn cần cả sự nhạy cảm của người làm tư vấn. Không phải ngẫu nhiên mà gỗ luôn là ưu tiên số một cho vật liệu sàn nhà ở, bởi gỗ (thuộc hành mộc) có tính dương so với các loại vật liệu gạch đá (thuộc hành thổ) khác. Gỗ cho cảm giác ôn hoà, ấm áp, rất phù hợp với nhà ở. Cũng tương tự, trong nội thất không nên sử dụng quá nhiều đá, vì đá cho cảm giác lạnh lẽo. Hiểu rõ các vấn đề liên quan đến chủ nhân ngôi nhà và ngôi nhà (tuổi tác, mệnh, hướng…) để đưa các loại vật liệu phù hợp cũng là một nguyên tắc cần coi trọng.