Chào bạn, sau đây là một số biện pháp xử lý tiếng ồn ở các vị trí trong nhà:
1. Xử lý mái, sàn
– Tiếng ồn đi vào nhà chủ yếu từ mái và các cửa, cũng có thể từ vách nhà hoặc tiếng động từ nhà bên cạnh. Còn ngay trong căn hộ, cần hạn chế tiếng động vang từ trên sàn (trần nhà, phòng) do đi lại hay việc sinh hoạt ở tầng trên. Khi xây dựng, có thể dùng vật liệu mái có độ kháng âm khác nhau. Ví dụ, mái ngói giảm ồn hiệu quả hơn mái tôn và thường đóng trần để làm giảm tiếng động từ trên nóc nhà phát xuống.
– Kết hợp trong dàn trần, có thể sử dụng tấm móp để cách âm/nhiệt. Tấm móp được trải kín trên trần hay dưới mái nhà, các mối nối phải được xử lý bằng keo dán và chèn bít tất cả các khoảng hở nếu có để ngăn âm thanh lan ra. Thay vì móp có thể sử dụng tấm polynum, tấm có chứa túi khí và trên bề mặt được tráng lớp nhôm. Một loại tôn đặc dụng PU được chế tạo 3 trong 1 tấm tôn màu hay tôn mạ kẽm. Sát mặt dưới tấm tôn được dán lớp PU, dày 18mm và dưới cùng là lớp nhựa PVC. Nó có tác dụng cách âm, cách nhiệt và nhờ có những lớp như trên mà có thể thiết kế không phải đóng trần. Đó cũng là một giải pháp.
– Với sàn, trên sân thượng thì thiết kế sàn kép. Trên sàn đúc chính, kệ cao bằng các đường gạch một khoảng hở chừng 30-40 cm, rồi lắp ghép trên đó thêm một lớp đan có lỗ rỗng để thoát và tiêu âm. Lưu ý, khi làm sàn kép thì mặt sàn dưới phải tạo độ dốc cao để thoát nước nhanh và xử lý chống thấm tốt. Lớp đan lỗ trên cùng có thể gỡ lên từng tấm được, để làm vệ sinh và gia cố sàn chính theo định kỳ 2-3 năm một lần. Cũng có thể dùng gạch hourdis (gạch bọng) trải trên mặt sàn đúc rồi đổ vữa lên trên cũng có tác dụng cách âm/nhiệt. Một giải pháp khác là làm đà lật.
– Để ngăn tiếng động từ các tầng lầu trên dội xuống tầng dưới, có thể đóng trần để giảm thiểu tiếng ồn. Nói chung, tạo khoảng rỗng trên các tầng, sàn để tiêu âm, làm giảm tiếng ồn tác động trực tiếp hay gián tiếp vào nhà ở hay phòng. Cách khác, đóng ván sàn gỗ thay vì lát gạch ceramic, đá… sẽ giảm thiểu tốt tiếng động lan xuống tầng bên dưới. Vì khi đóng ván sàn gỗ tự nhiên, thường có khoảng hở từ khung xương nền hoặc ván sàn gỗ nhân tạo, sẽ có lớp mút mỏng lót dưới nền, tạo được sự êm nhẹ trong các chấn động bên trên.
2. Xử lý phần cửa
– Với cửa nẻo, kính và gỗ thiết kế bít kín là chất liệu cản âm khá hiệu quả. Tuy nhiên, kính cần lắp đặt thật khít khao bằng ron (joint) cao su và không còn độ lung lay; hạn chế tối đa các khoảng hở. Cửa gỗ bằng ván nhân tạo (HDF) đang được sử dụng nhiều cũng tạo được sự cách âm khá tốt và thường sử dụng cho cửa phía trong như cửa buồng ngủ.
– Ngoài ra, thị trường còn có loại cửa kính đặc biệt cách âm và cách nhiệt cao cấp của Mỹ. Có đủ loại cửa và nhiều kích cỡ đóng ráp sẵn, khuôn đa dạng từ vuông, chữ nhật, lục giác, tam giác, rẻ quạt… Kết cấu chủ yếu loại cửa này gồm khung nhôm, kính một lớp hay hai lớp, có song chia ô hay không có. Đặc tính chủ yếu cách âm, cách nhiệt và an toàn, nếu lỡ bị vỡ, kính sẽ thành dạng hạt lựu như kính xe hơi.
– Mùa hè, kính cường suất cao này sẽ làm cho bước sóng dài của năng lượng mặt trời tán xạ tạo cho căn nhà mát mẻ. Độ cách âm với loại cửa kính này trên 95% do có một lớp kim loại trong đặc biệt nằm giữa tấm kính. Giữa hai lớp kính (kính hai lớp) đã được hút chân không nên không bị bụi và hơi nước ngấm vào gây ố.