Phòng trẻ nhỏ khác phòng người lớn như thế nào?

« Trở về
0
0

Không gian của trẻ con sẽ gồm các vấn đề về kiến trúc, trang thiết bị, đồ chơi … Nó khác không gian của người lớn như thế nào?

Spam
Posted by Trần Hữu Long (Câu hỏi: 10, Trả lời: 0)
Đăng 31/10 19:36
74 Xem
0
Trả lời riêng

1 – Toàn bộ là không gian mềm: Mềm với nghĩa đen. Có nghĩa là tha hồ va đập mà không đau. Nhất là sàn, các góc tường, các góc bàn, ghế, giường, tủ. Sàn mềm và không trơn, không thấm nước tiểu nhưng khi ướt láng vẫn không trơn. Trẻ con thì phải ngã và được quyền ngã (Các cụ nói rằng trẻ con ngã không đau vì có “mụ đỡ”. Nhưng thực ra trẻ ngã ít đau vì nó có phản xạ mềm người, lăn người chứ không đỡ. Đỡ thì gãy tay. Các cụ cũng nói rằng ngã mới chóng lớn). Mềm là để giữ an toàn cho hộp sọ, còn đang phát triển, chưa cứng hẳn.

2 – Trẻ con phải được tập leo trèo, phải được tập vật nhau, lăn lộn, phải được làm quen với mạo hiểm. Như con mèo con, con sói con, phải được leo trèo, lăn lộn, vật vã, như thế mới phát triển, mới trưởng thành, mới trở nên mạnh dạn, can đảm. Nhưng chỗ leo trèo thì phải đảm bảo có ngã cũng không sao.

3 – Bàn, ghế, giường, tủ phải hợp với kích thước cơ thể trẻ con để tránh các tật vẹo xương sống, lệch vai, cận thị … Khi ngồi bàn chân của trẻ phải được đặt trên sàn, chứ không phải ở tư thế treo, làm chẹt cơ, mạch máu và dây thần kinh ở dưới đùi. ở bàn ăn chung của gia đình cũng phải có ghế riêng cho trẻ hoặc ghế phụ để lắp lên ghế người lớn, cho trẻ vừa hợp với bàn ăn. Giường mềm nhưng phần đệm mềm không dày quá 2 cm.

4 – Trẻ con có nằm ngủ chung với bố mẹ không, là một vấn đề. Có lý luận rằng để trẻ nằm riêng thì nó quen tự chủ, tự lập, không dựa dẫm, ủy mị. Nhưng lại cũng có lý luận rằng sự ôm ấp, vuốt ve của người mẹ, hơi ấm và cả mùi của người mẹ, mùi sữa mẹ làm cho bé được bình tâm hơn, ngủ ngon hơn, và phát triển thuận lợi hơn. Có lẽ rằng giải pháp được chọn phụ thuộc vào đặc tính của từng bé. Bé nào vốn rắn rỏi thì có thể ngủ giường cũi riêng nhưng ít nhất phải cùng trong phòng ngủ của bố, mẹ ở ngay bên cạnh. Bé nào mềm yếu hơn thì có thể để ngủ bên mẹ, không lo mẹ đè phải con, vì nhờ bản năng, đến cả con gấu mẹ cũng không nằm đè phải con gấu con. Chăn của bé phải có dây buộc sang 4 góc để bé khỏi đạp tung chăn, bị nhiễm lạnh. Người châu Âu hay cho trẻ nằm sấp, về sau lớn lưng sẽ thẳng, nằm sấp bé cũng dễ thở hơn, không bị gập cằm làm bí thở, và nếu có bị trớ thì tràn ngay ra chứ không chảy ngược vào mũi.

5 – Phòng trẻ nhất thiết phải có ánh sáng trời, tốt nhất là có cả một khoảng thời gian có ánh nắng buổi sáng, để khử trùng, tạo vitamin D cho trẻ lớn, và bảo đảm sự phát triển tự nhiên của mắt trẻ. Cửa sổ phải tính thời gian đóng, mở cho phù hợp để tránh nóng, tránh lạnh, tránh gió lùa, tránh ruồi muỗi. Có ban công là rất tốt nhưng lan can ban công phải cao, và không được làm gióng ngang, đề phòng trẻ trèo lên. Cửa đi phải có quả đấm ở vị trí thấp để trẻ tự mở được. Nhưng tuyệt đối không được có bất kỳ loại chốt nào.

6 – Quạt máy là cần thiết, có thể có cả điều hòa không khí nữa. Nhưng phải nhớ rằng, do luồng gió (từ quạt trần), do luồng thổi của máy điều hòa và do quy luật khí lạnh đọng lại ở dưới thấp, phần gần mặt sàn thường lạnh hơn. Người lớn đứng thì thấy vừa phải nhưng trẻ con chơi ở mặt sàn, thậm chí ngủ ở mặt sàn, nhất là nơi có luồng khí điều hòa thổi xuống, rất dễ bị nhiễm lạnh.

7 – Màu sắc: Trẻ con đương nhiên thích màu sắc sặc sỡ. Phải có màu sắc xanh đỏ tím vàng cho trẻ con vui vẻ, phấn khởi. Nhưng lại cũng phải giáo dục dần cho trẻ lớn lên có xu hướng thẩm mỹ tốt. Nên phải có những mảng màu sắc sặc sỡ. Vẽ hoa, lá, chim, bướm, nhưng toàn phòng vẫn có một vẻ chung màu sắc dịu dàng, hài hòa, mát mắt. Tóm lại là phải “hài hòa giữa hài hòa và sặc sỡ”.

8 – Đề phòng tai nạn: Phòng cho trẻ nói chung là có người lớn trông nom. Nhưng không khỏi có những khoảnh khắc vắng mặt người lớn. Mà tai nạn đến với trẻ thì muôn hình vạn trạng, và bao giờ cũng hết sức bất ngờ, rồi thì hối hận không kịp. Ta đã biết, có khi người trông chỉ chạy ra phố mua chút quà thì bé đã leo lan can ban công và ngã từ tầng cao. Có trẻ nghịch cái túi nylông mua hàng, đội vào đầu (vì nhìn ra được), rồi thiếu ôxy, mỏi mệt ngủ quên đi, giống như tù nhân vẫn hay tự tử bằng túi nylông ấy. Có trẻ nuốt dị vật, cứu không được (Trẻ hay bỏ các thứ vào miệng, để trấn tĩnh như lúc lớn lên gặm cán bút, nhai vạt áo, như người lớn nhai kẹo cao su hoặc ngậm điếu thuốc, cũng có ý trấn tĩnh). Có trẻ dùng que kim loại ngoáy vào ổ điện. Có trẻ sờ vào dây điện bị chuột gặm hở lõi. Có trẻ ngậm cái công tắc điện đầu giường kiểu quả bàng. Có trẻ mở lọ thuốc và ăn hết, không cứu được. Có bà mẹ đặt con vào cũi rồi quầy quả quay đi, không ngờ nút buộc tã treo phải cái vấu góc cũi, bé bị chết nghẹt …

Vì vậy trong phòng trẻ phải tránh tất cả các khả năng sinh ra tai nạn một cách vớ vẩn, vô lý mà thảm thương ấy. Kể cả phải chú ý chất liệu sơn, vôi, sơn đồ đạc, đồ chơi, không được có chì và các chất độc khác.

9 – Giáo dục bằng trò chơi: Người ta thường hay tìm cách giáo dục cho trẻ thành người bằng những bài học luân lý, đạo đức, nhiều khi nặng chất “lên lớp, nhồi nhét”. Nhưng thực ra chỉ bằng trò chơi, ta có thể giáo dục cho trẻ một cách nhẹ nhàng, thoải mái và đi vào thành bản năng luôn hầu hết những phẩm chất để trở thành người như: trung thực, trung thành, không dối trá, chuyên tâm, hoạt bát, cởi mở, tinh khôn, nhận xét nhanh, nhớ nhanh, nhớ lâu, khả năng tư duy trừu tượng, khả năng tưởng tượng, khả năng phán đoán, tư duy không gian hình học, khả năng tự thu xếp công việc, tự vượt qua khó khăn trở ngại…

Phần lớn những phẩm chất đó, chúng ta có thể gây dựng cho trẻ ngay trong phòng trẻ con ở nhà ta, rồi sau đó mới đến trường học, sân chơi ở trường học và khu phố… mà chúng ta sẽ có dịp bàn sau.

Spam
Posted by Trịnh Hoàng Long (Câu hỏi: 0, Trả lời: 67)
Trả lời 31/10 19:37
« Trở về