Một nhà kho hơn 200 tuổi đã có một bước chuyển đổi ngoạn mục trở thành một căn nhà tiện nghi nhưng mộc mạc, ấm áp, tại đó được dung hòa tinh tế giữa quá khứ và hiện tại.
Ở Akron, Ohio (Mỹ) có một nhà kho cổ rất rộng lớn và suốt bao nhiêu năm không được cải tạo, cho đến khi kiến trúc sư Tim Franklin tiếp nhận nó. Franklin đã để ý mảnh đất và nhà kho đó từ rất nhiều năm nay, và như người đời vẫn nói, rằng những điều tốt đẹp chỉ đến với những ai biết chờ đợi, sự kiên trì của Franklin đã không vô ích khi đến một ngày nhà kho đó được rao bán. Một cách ngoạn mục, Franklin đã chuyển biến một nhà kho cũ kỹ thành một ngôi nhà ở khang trang, đầy đủ tiện nghi nhưng rất mộc mạc – một sự giao thoa tinh tế giữa quá khứ và hiện đại.

Chuyển đổi thành nhà ở, giữ gần như nguyên vẹn cấu trúc của nhà kho cũ.
Franklin cố gắng không can thiệp vào cấu trúc của căn nhà, không chỉ vì để giảm thiểu chi phí thi công, mà anh muốn giữ gìn tính nguyên vẹn của nhà kho 204 tuổi này. Thay vào đó, anh dùng các rào chắn bằng thép để phân định các khu vực khác nhau. Trong đó, hiệu quả và khéo léo nhất là cầu thang gác, tạo ra các không gian thoáng mà không hề che khuất hay cản trở chúng. Cầu thang có vẻ đồ sộ nhưng không mang vẻ nặng nề, ngược lại, tạo cảm giác thoáng đãng như ở ngoài trời.


Có một chi tiết khá thú vị, đó là thang xếp được tích hợp xen kẽ vào nhiều vị trí trong ngôi nhà, vừa kín đáo thể hiện một đặc trưng riêng của nhà kho, vừa mang đến một niềm thích thú cho trẻ nhỏ. Những đứa con của Franklin có thể tha hồ chạy, trốn, leo trèo trong căn nhà, như những đứa trẻ ngày xưa thường vui đùa trong các nhà kho.

Franklin là người thiết kế phần lớn đồ đạc chính trong ngôi nhà. Không thay đổi một cách đột ngột bằng cách khoác lên nhà kho cổ một vẻ quá hiện đại, vật liệu được Franklin sử dụng cho căn nhà chủ yếu là gỗ và gạch đất nung, mang lại nét mộc mạc, gần gũi và ấm áp. Việc cố gắng giữ gìn nhà kho cổ còn được thể hiện ở điểm: Franklin chọn sơn tường màu trắng để thể hiện rõ cấu trúc hình học và đặc trưng ban đầu của nó. Thay đổi dễ thấy nhất là ở việc thêm và nới rộng các cửa sổ mà theo Franklin, “đó là yếu tố cốt yếu khi chuyển đổi một nhà kho thành nhà ở”.

Lò sưởi là một điểm nổi bật của căn phòng sinh hoạt chung, Franklin chọn lò sưởi hình trụ thay vì hình hộp theo lối thông thường. Hình dáng và kích thước lớn vừa đảm bảo sưởi ấm cho căn phòng rộng, vừa phù hợp và tiệp màu với không gian và đồ vật xung quanh.








Phòng ngủ là khu biệt lập. Franklin lấy cảm hứng từ những ngôi nhà trên cây để từ đó thiết kế đặt phòng ngủ ở vị trí khá cao so với tầng trệt, trần mái vòm và cửa sổ rộng hình cung.

Bồn tắm nằm trên gác xép sát mái tạo cảm giác an toàn và được bao bọc.

Tường ngoài được sơn màu xám đậm của than củi. Dáng vẻ giản dị của nhà kho được giữ nguyên vừa để bày tỏ sự tôn trọng với quá khứ, vừa để làm bật lên một cách tinh tế kiến trúc nội thất đặc sắc bên trong.

Nhà kho 204 tuổi