Nếu có điều kiện, hãy dành riêng một khu vui chơi nho nhỏ cho trẻ trong bếp. Nếu không, trải tấm thảm và đặt đồ chơi ưa thích của chúng trong bếp, dành riêng ghế cho phép chúng trèo lên quan sát bạn nấu nướng, mua vài dụng cụ làm bếp an toàn và nhiều màu sắc cho chúng nghịch… là những cách đơn giản mà bạn có thể áp dụng ngay.
Căn bếp không chỉ là khu vực để nấu và ăn, hãy biến căn bếp thành một nơi quây quần thân mật và thư giãn của cả gia đình sau một ngày dài vất vả.
Căn bếp hiện đại giờ đây đã không chỉ đáp ứng chức năng là nơi nấu nướng và ăn uống nữa, nó đã đảm nhận thêm một phần vai trò của phòng khách hoặc phòng sinh hoạt chung của gia đình: là nơi các thành viên quây quần trò chuyện với nhau sau một ngày dài. Nếu như ở các nước phương Tây, căn bếp xưa nay vẫn luôn được chú trọng, thường được dành một khoảng diện tích rộng rãi và được thiết kế ấm cúng; thì ở Việt Nam, trong khi phòng khách luôn được đầu tư trang hoàng kỹ lưỡng thì căn bếp trước đây vốn chỉ được coi là khu vực dành riêng cho người phụ nữ để chuẩn bị bữa ăn cho gia đình.
Nay, ở những ngôi nhà hiện đại ở Việt Nam, căn bếp đã dần được dành cho vị trí ưu tiên cao theo hướng được thiết kế đầy đủ tiện nghi hơn để trợ giúp tốt nhất cho người đứng bếp, và là không gian quây quần cho cả gia đình.
Theo đó, căn bếp là trung tâm của ngôi nhà với thiết kế mở và liên thông với những khu vực còn lại thay vì khép kín và hoàn toàn tách biệt. Đừng ngại ngần phải bắt tay vào thay đổi căn bếp của mình mặc dù bạn vẫn đang thấy hài lòng với nó. Thay đổi căn bếp theo hướng mở giúp các khu vực trong nhà bạn liền mạch với nhau hơn, không khí ấm cúng hơn và góp phần đưa các thành viên gần nhau hơn. Trong cuộc sống hiện đại bận rộn và chủ nghĩa cá nhân ngày càng được đẩy cao như hiện nay, thiết nghĩ đó là một điều có ý nghĩa.
Và để làm được điều đó, không nhất thiết phải phá bỏ hoàn toàn căn bếp khép kín cũ, bạn có thể thay đổi nó bằng cách áp dụng theo những ý tưởng dưới đây.
1. Khai mở căn bếp
Phá bỏ bức tường ngăn cách căn bếp với các không gian khác là cách hiệu quả nhất, nhanh nhất để khiến căn bếp trở nên gần gũi hơn. Thông suốt với phòng ăn, phòng khách, thông ra vườn hoặc hiên nhà, căn bếp sẽ trở nên rộng hơn, mở hơn, thoát khỏi cảm giác tù túng giữa 4 bức tường và phá bỏ quan niệm cho rằng đây chỉ là nơi để nấu nướng và dùng bữa xong rồi thôi.
Nếu bạn vẫn phân vân vì quen với lối thiết kế phân định không gian rõ ràng giữa các khu vực có chức năng khác nhau trong ngôi nhà, hãy thử thay thế tường bằng kính hoặc kệ cao. Kính là một giải pháp thông minh vừa đảm bảo phân chia gian bếp với phần còn lại, vừa tạo sự thông suốt và liên kết giữa chúng. Một chiếc kệ đẹp lại là một giải pháp khéo léo mang đến sự phân định rõ ràng hơn, vẫn duy trì được tính kết nối, ngoài ra còn đóng vai trò hữu hiệu trong việc trang trí nhà cửa và lưu trữ.
Và nếu bạn có ý định thay đổi căn bếp theo hướng mở, hãy đảm bảo lắp máy hút mùi trên bếp và nên sử dụng loại tốt để giảm thiểu tối đa ám khói và mùi thức ăn lên cả căn nhà.
2. Nhà bếp khối và những chiếc ghế đẩu
Nhà bếp khối là một kiểu thiết kế mới được phát triển và được sử dụng rất phổ biến gần đây, thường được áp dụng trong những căn bếp mở, trong đó bếp và bồn rửa được đặt với nhau thành hình chữ L hoặc chữ U.
Với những căn bếp khép kín, kiểu thiết kế này không mấy thể hiện được ưu điểm và mục đích thiết kế của nó. Nhưng trong những căn bếp mở, nơi mà đứng từ khu vực khác trong nhà có thể nhìn thấy người đang nấu nướng, kiểu thiết kế này mới thực sự có ý nghĩa. Theo đó, người nấu ăn đứng bên bếp và người chuẩn bị nguyên liệu đứng cạnh bồn rửa dễ dàng trò chuyện với nhau và nói chuyện với thành viên khác đang ngồi ở phòng khách. Thêm vào đó, bề mặt của khối bếp và khối bồn rửa hoàn toàn có thể biến thành quầy bar, cạnh đó đặt mấy chiếc ghế để những thành viên không tham gia nấu nướng ngồi quan sát trò chuyện với người đứng bếp. Ý nghĩa của kiểu thiết kế này là xóa nhòa ranh giới giữa căn bếp và những gian khác và mời gọi tất cả mọi thành viên tham gia vào hoạt động chuẩn bị bữa ăn.
3. Ngăn nắp nhưng tự nhiên
Nếu như đồ nội thất đôi khi có thể chú trọng về kiểu dáng hơn là quan tâm đến tính tiện dụng và hữu hiệu của nó, thì đồ đạc trong bếp phải luôn cân bằng giữa mẫu mã và chức năng. Những căn bếp quá xa hoa cầu kỳ hoặc tối giản một cách cực đoan sẽ gây cảm giác xa lạ; đặc biệt, trẻ con sẽ không muốn vui chơi trong căn bếp mà động vào thứ gì cũng sợ hỏng hoặc sợ làm xô lệch chúng. Vì thế, căn bếp nên được sắp xếp ngăn nắp để dễ sử dụng, nhưng không nên cứng nhắc, hãy thêm vào một vài yếu tố phá cách. Ví dụ như nhấn nhá một vài màu sắc vui tươi hay “bôi bẩn” tường bằng mấy thứ trang trí ngộ nghĩnh.
4. Tạo không gian vui chơi cho trẻ con
Có nghĩa là căn bếp nên đảm bảo song song hai yếu tố: là nơi trẻ có thể chơi đùa trong khi bạn chuẩn bị bữa ăn và có khu vực riêng trong căn bếp có thể thu hút trẻ tập trung chơi ở đó.
Yếu tố đầu tiên là điều hiển nhiên khi bạn muốn tạo một không gian thân mật cho căn bếp và gắn kết các thành viên trong gia đình, yếu tố thứ hai để đảm bảo sự an toàn cho trẻ và tính lâu bền cho đồ đạc. Có trẻ con trong nhà đồng nghĩa với việc đồ đạc trong nhà dễ hao mòn hoặc dễ hỏng hơn, vì thế nên tìm giải pháo hướng trẻ tập trung vào những đồ dành riêng cho chúng.
Nếu có điều kiện, hãy dành riêng một khu vui chơi nho nhỏ cho trẻ trong bếp. Nếu không, trải tấm thảm và đặt đồ chơi ưa thích của chúng trong bếp, dành riêng ghế cho phép chúng trèo lên quan sát bạn nấu nướng, mua vài dụng cụ làm bếp an toàn và nhiều màu sắc cho chúng nghịch… là những cách đơn giản mà bạn có thể áp dụng ngay.
Hoặc dành riêng một mảng tường, một tấm bảng hoặc mặt tủ lạnh để trẻ tha hồ viết vẽ.
5. Thêm góc học tập cho trẻ con
Một cách khác để khiến trẻ không nghịch ngợm trong bếp mà vẫn giữ chúng ở gần bạn đó là để chúng ngồi học trong khi bạn nấu ăn. Trẻ có thể ngồi học ở khu vực cạnh bếp đối với căn bếp mở, hay ngồi tại bàn ăn trong bếp. Hoặc thêm góc nho nhỏ cho trẻ học bài ngay trong căn bếp để chúng vẫn trong tầm mắt khi bạn đang chuẩn bị bữa ăn, đồng thời khiến trẻ không quấy và nghịch ngợ. Giải pháp này rất đơn giản và thực sự hữu hiệu, chỉ cần kê bộ bàn ghế và có thể thêm 1 kệ để trẻ tùy thích mang những đồ ưa thích của chúng vào nhà bếp. Chỉ lưu ý bạn nên dùng máy hút mùi để tránh ám mùi và khói vào quần áo và đồ dùng của trẻ.