Những nhánh dây thường xuân mỏng manh lại mang sức sống vô cùng mãnh liệt suốt 4 mùa.
Dây thường xuân với sức sống bền bỉ và mãnh liệt
Dây thường xuân hay còn có tên gọi khác là trường xuân, nghe thì gợi nhắc đến mùa xuân nhưng loài cây này không đại diện cho mùa nào cả bởi nó xanh mát trong cả 4 mùa. Không cần đất, cũng chẳng cần cọc gỗ, những chiếc rễ bé tí xíu vẫn kiên cường bám vào từng khe nứt nhỏ của mảnh tường là cứ thế leo lên, xanh mướt một màu. Có lẽ đó là lí do mà loài dây leo này tượng trưng cho những gì mạnh mẽ và dai dẳng nhất.
Những nhành thường xuân mỏng manh ẩn giấu sức sống mãnh liệt.
Suốt cả một mùa hè với những đợt nắng chói chang hay trải qua cái lạnh giá khắc nghiệt của những ngày đông mưa phùn gió bức thì nó vẫn đứng đó, khoác lên mình màu xanh mướt mát và lúc nào trên nhành lá cũng nhú lên chồi non mơn mởn. Phải chăng vì thế mà người ta đặt cho dây leo mỏng manh ấy cái tên tràn đầy nhựa sống: thường xuân.
Loài dây leo này có vẻ mong mảnh, yểu điệu như nàng thiếu nữ nhưng lại mang trong mình sức sống mãnh liệt của một kĩ sĩ. Ở các nước phương tây, trên các ngôi nhà, thư viện cổ, nhà thờ, hay trường học người ta vẫn thường thấy những thảm thường xuân chạy dọc bờ cửa sổ, phủ kín mảnh tường cổ kính.
Là loài cây được trồng nhiều ở các nước phương tây, làm tôn thêm vẻ cổ kính uy nghiêm của mọi kiến trúc.
Mảnh tường nhà ở quê tôi cũng có một vạt thường xuân do chính tôi tự tay ươm trồng. Dây thường xuân nhanh trổ lá và trở thành nơi để tôi trút mọi muộn phiền của cô gái tuổi 16. Trong suốt những năm tháng tuổi thơ ấy, việc làm đầu tiên mỗi ngày của tôi là chạy ra ngắm những cành thường xuân còn đung đưa giọt sương của buổi sớm mai. Những chiếc lá nhỏ bé cứ rì rào rì rào, vẫy gọi mỗi khi có gió chợt lùa qua hay lại xòe ra hứng những giọt mưa vừa đổ về sau những ngày nắng nóng.
Rồi lớn lên, phải rời xa ngôi nhà yêu dấu, thói quen cũ phải tạm gác lại. Nhưng mỗi khi cảm thấy mệt mỏi, đầu óc tôi lại lang thang về mảnh tường nơi có vạt thường xuân của tuổi thơ, lại bỗng thấy tâm hồn được gột rửa, nhẹ bẫng và thanh khiết vô cùng.
Những thứ càng mỏng manh thì lại càng mạnh mẽ, trải qua bao nhiêu giông bão biến động thì nhành thường xuân vẫn tồn tại dai dẳng, mãnh liệt đến kì lạ và làm bạn với rêu phong.
Giá lạnh đã ùa về, hãy thử ươm một nhành dây thường xuân sau mảnh tường nhà bạn để cảm nhận rõ sức sống mãnh liệt của nó trong suốt cả mùa đông lạnh lẽo.
Dây thường xuân dễ trồng, dễ sống, xanh mát, đẹp nhà.
Thường xuân thường được nhân giống bằng cách chiết cành. Cách chiết cành cũng rất đơn giản, chỉ cần đặt cành chiết vào bình nước cho đến khi từ cành đó mọc rễ thì đem ra trồng. Sau đó chuẩn bị thêm sỏi, đất, chậu cây, trồng sát tường gạch, hàng rào, hay lưới mắt cáo…thường xuân sẽ bám vào bằng chồi rễ mút và cứ thế leo lên.
Các bước để trồng và chăm sóc một chậu thường xuân:
– Cho một ít sỏi trộn lẫn với đất trong chậu, trồng cây con vừa được chiết vào rồi phủ đất kín quanh bầu rễ. Nén chặt đất xung quanh gốc cây. Đặt cây nơi thoáng mát trong nhà với đầy đủ ánh sáng và tưới thường xuyên
– Đất: Sử dụng đất tơi xốp, màu mỡ và nhiều dưỡng chất như hỗn hợp đất mùn và đất vườn. Giữ đất luôn ẩm trong vài tuần đầu tiên.
– Ánh sáng: Thường xuân là loại cây có thể phát triển tốt khi sống dưới ánh sáng mặt trời chói chang hay trong nhà thiếu sáng. Tuy nhiên, vẫn nên lựa chọn vị trí thích hợp để đặt chậu cây.
– Phân bón: Trong mùa sinh trưởng của cây, chỉ cần bón một lớp phân mỏng, loãng và chỉ bón 2-3 lần trong một năm. Phân xanh và phân vô cơ tổng hợp đều có thể bón. Khi cây đã trưởng thành thì bón ít hơn.
– Tưới tiêu: Sử dụng cách phun nước lên bề mặt lá. Phun vừa phải, không ít không nhiều. Nếu nhiều quá làm úng đất, cây sẽ bị thối rễ nhưng ít quá thì lá bị rụng
– Thường xuyên ngắt ngọn cây để thúc cây mọc thêm các nhánh nhỏ.
– Đặt chậu cây sao cho ít nhất có thể đón ánh nắng 4 giờ một ngày.
Ngoài chức năng làm đẹp cho không gian, dây thường xuân còn được xem là một loại cây tốt cho phong thủy. Do đó, nó thường thích hợp để làm quà tặng trong những dịp lễ tết, mừng thọ, thi cử, khai trương hay tiệc thăng chức.
Ngoài chức năng làm đẹp cho không gian, thường xuân còn được coi là một loài cây tốt cho phong thủy.
Chú ý nên treo thường xuân ở hướng đông, đông nam, đông bắc của căn phòng để nó phát huy hiệu quả về mặt phong thủy cũng như tăng thêm độ tươi mát cho từ ngoài vào trong của ngôi nhà. Chỉ cần nhìn vào một thảm thường xuân xanh mướt trên bờ tường nhà là không cần không ai phải chứng minh cũng có thể biết chủ nhà là người khéo tay đến thế nào.