Với giải pháp này, bạn sẽ không còn “khó ăn khó ở” khi sống trên tầng áp mái nữa

0
236

Hãy phân chia không gian bằng nội thất như kệ, cột, mành, rèm, bình phong hoặc sử dụng tường thạch cao, tường gỗ với kích cỡ nhỏ, để bạn luôn cảm thấy thoải mái nhất với căn phòng ở tầng áp mái nhưng không kém phần tiện nghi, hiện đại.

Sống trên tầng áp mái không đồng nghĩa với sự chật chội, bí bách. Hãy thay đổi suy nghĩ của bạn nhờ áp dụng những quy tắc đơn giản trong bài viết dưới đây.

Tầng áp mái với đặc điểm thường không vuông vức và chật hẹp sẽ là bài toán khó với các gia chủ khi muốn cải tạo không gian đặc biệt này. Tuy nhiên, nếu khéo léo bố trí, bạn cũng có thể khiến nhiều người ghen tị với tầng áp mái ấn tượng và độc đáo do bạn tạo ra. Nơi mà từng khoảng diện tích, từng góc nhỏ nhìn vào là để nhớ, không thể lẫn với bất kỳ không gian nào khác.
1. Lắp đặt cửa sổ
Khi nhà bạn hay chỉ một vài căn phòng nằm ở tầng áp mái, hãy biến chúng thành những không gian đẹp hiện đại với ánh sáng tự nhiên chan hòa. Bởi gác mái là vị trí tuyệt vời, để bạn đưa ánh sáng vào nhà bằng nhiều cách khác nhau. Ánh sáng tự nhiên không chỉ giúp không gian trở nên rộng thoáng, sạch sẽ, mà còn mang đến cho mỗi góc nhỏ nét đẹp ấn tượng, bớt đi nhiều sự chật chội, tù túng vốn có.
Thay vì sử dụng phòng áp mái làm chức năng thông thường như kho chứa đồ hay phòng giặt là, bạn có thể biến phòng áp mái thành những căn phòng với chức năng chính như phòng ngủ, phòng khách, phòng bếp hay phòng tắm, nơi làm việc hay phòng đọc sách. Vẻ đẹp lạ mắt, rộng thoáng mà phòng áp mái mang lại sẽ đủ sức tạo nên cảm giác vui vẻ và hứng khởi cho mọi người khi sử dụng căn phòng.
Hãy mạnh dạn cắt bỏ bớt một khoảng tường mái kiên cố, thay vào đó là hệ thống cửa sổ với kính chịu lực. Ánh sáng từ mái sẽ rót xuống không gian, tràn ngập trong từng góc nhỏ. Bạn và mọi người như tràn đầy sinh lực, khi được hòa mình cùng các yếu tố thiên nhiên.
Bên cạnh việc tạo sáng trên mái nhà, bạn hãy xem xét thêm phương án thi công và lắp đặt hệ thống cửa sổ ở bức tường nhỏ nhất. Lắp thêm khung kính để cuộc sống bên trong nhà như đang được hòa điệu cùng thiên nhiên. Nếu thích sự riêng tư, hãy treo thêm rèm hoặc mành che để bớt sáng hay tắt sáng khi cần sự yên tĩnh để nghỉ ngơi.
2. Tạo điểm nhấn cho bức tường
Bên cạnh ánh sáng từ thiên nhiên chan hòa, những ngày trời âm u hay tiết đông ảm đạm, để không gian áp mái không “hòa mình” cùng sự lạnh lẽo và tối tăm, bạn có thể tạo thêm nét đẹp đầy ấn tượng cho những căn phòng áp mái nhờ vào sự kết hợp ăn ý giữa bức tường và ánh sáng nhân tạo.
Tạo nên điểm nhấn từ việc trang trí bức tường, là cách vô cùng đơn giản nhưng lại có hiệu quả tối đa, trong việc mang lại nét đẹp cá tính, sự độc đáo đầy lạ mắt cho không gian áp mái.
Tùy vào chức năng cũng như độ rộng hẹp để bạn lựa chọn cách trang trí cho bức tường. Nếu là phòng ngủ, bạn hãy dán giấy dán tường với gam màu nhẹ nhàng, êm dịu cùng ánh sáng vàng ấm áp, để không gian nghỉ ngơi trên tầng áp mái luôn dễ chịu và yên bình nhất có thể.
Nếu không gian áp mái dùng làm góc nhỏ đọc sách, bạn nên chọn gam màu trung tính như ghi, xám, be để làm đẹp cho bức tường. Những gam màu tối cũng sẽ trở nên cá tính và ấn tượng khi kết hợp với nội thất màu sáng.
Nếu là phòng của bé, bạn nên chọn tone màu rực rỡ để trang trí, mang lại vẻ đẹp trẻ trung, nhí nhảnh, năng động cho thế giới tuổi thơ của bé thêm sôi động và cá tính.
3. Tạo điểm nhấn từ mái
Nếu bạn cảm thấy bức bối, khó chịu trong những căn phòng trên tầng áp mái, hãy tìm cách biến điểm yếu thành điểm mạnh. Tạo điểm nhấn từ mái nhà, không phải để bạn che khuất hay quên đi rằng, mình đang sống ở tầng áp mái, mà để bạn “can đảm” nhìn vào thực tế, và cảm thấy vui vẻ và yêu hơn từng góc nhỏ của mình nhờ vào khả năng trang trí khéo léo.
Mái của tầng áp mái thường xuất hiện nhiều cột kèo bằng gỗ hoặc bê tông. Bạn hãy sơn chúng với màu sắc mà mình yêu thích, như cách tạo điểm nhấn đặc biệt cho căn phòng của mình.
Lưu ý một chút khi tạo điểm nhấn từ mái, đó là bạn nên sơn hoặc dán giấy, thi công bằng thạch cao tùy vào khả năng tài chính và gu thẩm mỹ của mình. Bạn nên chọn gam màu mộc mạc nhất nhưng có khả năng tạo nên sự nổi bật và khác biệt cho không gian. Bởi nếu chọn những gam màu lòe loẹt, rực rỡ sẽ khiến căn phòng áp mái vốn nhỏ trở nên rối mắt.
4. Không thể thiếu yếu tố trang trí
Đối với các căn hộ hay các căn phòng thông thường, để chúng trở nên đẹp hơn, sẽ không thể thiếu việc làm đẹp, thêm pha những điểm chấm phá bằng vật dụng trang trí. Với căn phòng áp mái, lại càng không thể thiếu công đoạn này, để căn phòng nhỏ luôn đáng yêu và đáng nhìn hơn.
Thêm kệ lưu trữ: Kệ lưu trữ đồ cho không gian, vừa giúp mọi thứ được sắp xếp gọn gàng, vừa giúp căn phòng trở nên quy củ, ngăn nắp. Kệ lưu trữ đồ còn có thể giúp căn phòng đẹp giản dị, ngay ngắn.
Thêm tranh: Thêm những bức tranh gắn lên tường, để ánh nhìn như cuốn theo vẻ đẹp nghệ thuật của những khung hình, thay vì nhìn vào bức tường nhỏ trống không, để cảm nhận rõ nét nhất sự chật chội vốn có.
Thêm thảm trải sàn: Bên cạnh việc gắn kệ hay treo tranh, bạn có thể dùng miếng thảm nhỏ xinh với nhiều sắc màu, họa tiết vui nhộn, như điểm nhấn bắt mắt, tạo nên vẻ đẹp đặc biệt cuốn hút cho từng không gian áp mái.
Thêm mảng xanh: Tạo nên sức sống cùng vẻ đẹp tươi tốt cho không gian bằng cách thêm pha mảng màu xanh. Chọn những chậu cây có kích thước vừa phải đặt ở góc phòng, hay những chậu cây nhỏ xinh hay lọ hoa tươi tắn đặt ở bệ cửa sổ hay trên bàn, là cách để bạn đưa thiên nhiên vào nhà, đưa sức sống và niềm vui đến với mọi người khi sử dụng không gian áp mái.
Thêm rèm cửa: Rèm cửa với những gam màu nhẹ nhàng, chất vải mềm mại sẽ giúp căn phòng áp mái thêm đáng yêu. Nếu đó là phòng của thiên thần nhỏ, hay phòng của cô bạn gái thì lắp đặt rèm là phương án vô cùng tuyệt vời.
Ngoài ra, nếu bạn muốn thêm đồ trang trí cho không gian áp mái, bạn nên chọn các loại đồ có kiểu dáng và màu sắc đơn giản, để không gian bớt đi sự màu mè, bớt đi sự chật chội thường thấy.
5. Phân chia không gian rành mạch
Dù đang sống trong căn hộ hay gian phòng áp mái, bạn cũng không nên cho phép mình được bừa bộn, thiếu khoa học. Hãy phân chia chi tiết các chức năng sử dụng, để khoanh vùng hợp lý, rõ ràng, giúp nội thất được sắp xếp ngay ngắn, không gian cũng vì thế trở nên “dễ thở” hơn.
Hãy phân chia không gian bằng nội thất như kệ, cột, mành, rèm, bình phong hoặc sử dụng tường thạch cao, tường gỗ với kích cỡ nhỏ, để bạn luôn cảm thấy thoải mái nhất với căn phòng ở tầng áp mái nhưng không kém phần tiện nghi, hiện đại.

Để Lại Lời Nhắn