Căn phòng không cửa sổ nhưng vẫn có một bầu không khí trong lành. Đó là điều mà bạn cần quan tâm bởi yếu tố không khí ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bạn. Hãy đảm bảo những căn phòng khuyết cửa sổ được thông gió tối đa, để không khí tự nhiên dễ dàng tràn vào phòng, tạo sự luân chuyển không khí liên tục.
Vẫn có thể mang lại sự dễ chịu và xóa bay sự bức bí của những căn phòng không có cửa sổ bằng những ý tưởng hữu ích dưới đây.
Cửa sổ không chỉ là “chìa khóa” để đón nhận ánh sáng tự nhiên vào nhà mà còn giúp căn nhà đẹp hơn. Bởi cửa sổ thường được gia chủ trang trí tạo vẻ đẹp kết nối liền mạch với các nội thất khác trong nhà.
Hơn nữa, cửa sổ còn là nơi để mọi người trong nhà nhìn ra không gian xung quanh, một ban công rực rỡ, một khu vườn xanh mát hay bầu trời cao trong xanh.
Nhưng với những căn nhà trên phố, hẳn không thể phòng nào cũng có cửa sổ, căn phòng đó chắc chắn sẽ bí bách và ngột ngạt. Thật may là vẫn có những mẹo hay hữu ích để mang lại sự dễ chịu cho những không gian “thiếu thốn” đó.
Nếu gia đình bạn đang có một căn phòng không có cửa sổ, hãy tham khảo những lời khuyên của các chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế, giúp bạn “gỡ rối” cho không gian thêm rộng, thoáng..
1. Chú ý đến ánh sáng
Điều cần chú ý đầu tiên của những căn phòng không có cửa sổ, đó là mang ánh sáng nhân tạo vào nhà bằng cách lắp các loại bóng đèn.
Nếu những căn phòng có cửa sổ, thông thường, đèn được lắp ở vị trí ít sáng nhất, để có thể kết hợp hài hòa với ánh sáng tự nhiên, thì những căn phòng khuyết cửa sổ, gia chủ lại cần chú ý đến việc bố trí điểm sáng hợp lý ở tất cả các góc sao cho căn nhà luôn được ngập tràn ánh sáng.
Bên cạnh ánh sáng tổng, bạn có thể kết hợp với ánh sáng của các loại đèn hắt để không gian trở nên lung linh hơn.
Cũng nói thêm rằng, không phải tất cả các không gian đều được “ốp” duy nhất một kiểu trang trí. Tùy thuộc vào chức năng của căn phòng để bạn khéo léo xếp đặt ánh sáng cho phù hợp.
Căn phòng tiếp khách thường được chọn những không gian rộng thoáng và nhiều ánh sáng nhất. Tuy nhiên phòng khách nhà bạn lại không có được những ưu điểm như vậy.
Bạn có thể tìm cách khắc phục, đó là treo đèn tường, đèn LED trang trí và đèn hắt từ sàn. Những loại đèn này nếu được kết hợp khéo léo sẽ mang đến không khí dễ chịu, vui tươi và đặc biệt thân thiện cho căn phòng.
Đối với các phòng không có cửa sổ được sử dụng với chức năng khác như ngủ nghỉ, giặt là, nấu nướng… bạn có thể phân bố ánh sáng rõ ràng, đặt đèn ở khu vực trọng tâm cần chiếu sáng, và nên sử dụng ánh sáng trắng kết hợp với ánh sáng vàng, để tạo ánh sáng hài hòa như những căn phòng có cửa sổ.
2. Chú ý đến màu sắc
Yếu tố quan trọng thứ hai khi decor những căn phòng không có cửa sổ, đó là chú ý đến việc sử dụng gam màu. Do thiếu sáng, những gam màu rực rỡ rất khó để trở nên đẹp hơn, những gam màu tối lại khiến căn phòng càng tối tăm hơn.
Hãy lựa chọn gam màu trung tính để sơn các bức tường, sàn và trần nhà. Chỉ tạo điểm nhấn bằng những gam màu rực rỡ cho đồ nội thất và vật dụng trang trí trong phòng.
Phòng tắm, hành lang hay phòng giặt là, góc làm việc hay phòng khách, phòng ngủ không có cửa sổ sẽ rộng rãi hơn nếu các bức tường, trần và sàn sử dụng màu trắng, màu xám bạc, màu be, màu xanh và các màu pastel.
Màu sắc cũng như ánh sáng, chúng đều có khả năng phản chiếu trong không gian. Vì vậy với một không gian khép kín hoàn toàn, bạn hãy khéo léo kết hợp hai yếu tố này, giúp căn phòng trở nên đẹp ấn tượng và thoải mái nhất có thể.
3. Chú ý đến các bức tường
Nếu phòng tắm nhà bạn không có cửa sổ, hãy lựa chọn gạch ốp tường loại bóng, có sự phản chiếu ánh sáng tốt nhất. Hành lang sẽ trở nên sang trọng, thêm lung linh nhờ sự trợ giúp của bức tường ốp gạch 3D hay ốp đá cẩm thạch.
Ngoài hai khu vực này, ở những căn phòng không có cửa sổ khác như phòng bếp, nơi làm việc, nơi nghỉ ngơi… nên chọn cách sơn tường mịn. Để căn phòng thêm thoáng và sáng, mẹo nhỏ cho bạn đó là sử dụng gương treo tường.
Hãy treo gương ở nơi có thể lấy được ánh sáng tự nhiên, nếu không, bạn gắn gương đối diện với đèn. Ánh sáng từ đèn khuếch tán qua gương sẽ giúp căn phòng nhân đôi lượng sáng so với bình thường.
4. Tạo sự kết nối liền mạch
Sự kết nối liền mạch giữa các không gian chức năng trong nhà cũng là một trong những ý tưởng thú vị giúp những căn phòng không có cửa sổ rộng rãi và bớt đi sự ngột ngạt.
Có thể phá vỡ bức tường ngăn cách ví dụ giữa phòng khách và nhà bếp, phòng khách với phòng ăn, phòng ngủ với phòng tắm…
Nếu giữa các căn phòng không thể liền mạch, bạn hãy mở rộng ranh giới trực quan, đó là ngăn cách không gian với chất liệu kính ở phần gần trần nhà, để ánh sáng có thể tràn qua các không gian, tạo chỗ “thở” cho ngôi nhà và giúp tổ ấm trông sáng và rộng hơn, bớt đi nhiều sự tù túng vốn có.
5. Tạo ảo giác cho thị giác
Nhìn vào căn phòng, tất nhiên ai cũng biết bị khuyết thiếu cửa sổ. Nhưng bạn vẫn có cách khắc phục để căn phòng được rộng thoáng và mang đến cảm giác dễ chịu nhất cho người ở, đó là tạo ảo giác cho thị giác.
Bạn có thể dán một bức tranh phong cảnh thiên nhiên có chiều sâu cùng màu sắc tươi sáng, kết hợp với ánh sáng của đèn trần, căn phòng của bạn được nới rộng đáng kể về mặt thị giác.
Bên cạnh việc trang trí không gian bằng tranh, bạn có thể tạo “cửa sổ” giả. Cửa sổ giả bằng những bức tranh 3D cho bạn cảm giác như cửa sổ thật.
Để không gian bên cửa sổ được đẹp một cách hoàn hảo, bạn có thể trang trí thêm rèm treo tường và ánh sáng hắt từ tường ra phía ngoài cửa sổ.
6. Đưa thiên nhiên vào nhà
Để bớt cảm giác khó chịu và bức bí khi sống trong những không gian không có cửa sổ, hãy đưa thiên nhiên vào nhà. Chỉ một vài chậu cây hoa với vẻ đẹp tràn đầy sức sống, xanh tươi có thể giúp bạn thay đổi tâm trạng cũng như không khí trong phòng.
Bạn cũng nên lưu ý, nếu cây được đặt ở cửa sổ hay bất kỳ vị trí nào khi căn phòng có ánh sáng tự nhiên, thì với căn phòng khuyết cửa sổ, bạn nên đặt cây gần đèn để chúng nhận được ánh sáng tối đa, giúp đảm bảo cây sinh trưởng tốt nhất.
7. Tạo lỗ thông gió
Căn phòng không cửa sổ nhưng vẫn có một bầu không khí trong lành. Đó là điều mà bạn cần quan tâm bởi yếu tố không khí ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bạn.
Hãy đảm bảo những căn phòng khuyết cửa sổ được thông gió tối đa, để không khí tự nhiên dễ dàng tràn vào phòng, tạo sự luân chuyển không khí liên tục.